Dù nước mía là một loại thức uống thơm ngon, nhưng hương vị ngọt ngào của nó đã khiến nhiều người băn khoăn liệu uống nước mía nhiều có bị tiểu đường không. Nước mía có nhiều lợi ích với cơ thể, tuy nhiên bạn có thể gặp nhiều vấn đề sức khỏe khi tiêu thụ quá nhiều loại đồ uống ngọt ngào này.
Bài viết sau đây sẽ hỗ trợ bạn tìm lời giải cho câu hỏi liệu uống nhiều nước mía nhiều có bị tiểu đường không, bằng cách cung cấp những thông tin liên quan đến thành phần dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe của nước mía.
Thành phần dinh dưỡng của nước mía
Nước mía là một thức uống rất phổ biến trên thế giới, là loại thức uống được ép từ mía bóc vỏ. Nó còn là nguyên liệu để sản xuất đường mía, đường nâu và đường thốt nốt. Trên thực tế, mặc dù mía là nguồn chính của hầu hết các loại đường ăn trên thế giới, nó không phải là đường nguyên chất mà còn chứa một số thành phần khác.
Theo thông tin từ Trung tâm Dữ liệu Thực phẩm (FoodData Central) của USDA (U.S. Department of Agriculture – Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ), trong 248g nước mía (khoảng 1 cup, tương đương với 48 muỗng cà phê) có chứa:
- 198g nước;
- 184 calo;
- 50g carbohydrate;
- 50g đường;
- Lượng nhỏ các nguyên tố vi lượng (Canxi và sắt);
- Lượng nhỏ các chất điện giải (Natri và kali).
Công dụng của nước mía
Nước mía đã được sử dụng từ rất lâu và rộng khắp trên thế giới. Loại thức uống này có một số tác dụng đáng chú ý sau đây:
Có thể đóng vai trò bảo vệ gan.
Cải thiện hệ tiêu hóa: Hàm lượng kali trong nước mía có thể giúp cân bằng độ pH trong dạ dày. Nước mía tạo điều kiện cho việc tiết dịch tiêu hóa và giữ cho hệ thống hoạt động ổn định. Ngoài ra, vì là thực vật nên nước mía cũng cung cấp cho bạn lượng chất xơ giúp làm sạch đường tiêu hóa và giảm đi tình trạng táo bón.
Có lợi cho da và hệ miễn dịch
Trong nước mía cho một lượng nhỏ các chất chống oxy hóa, bao gồm phenolic acid, flavonoid và vitamin C. Các thành phần này có thể giúp giữ ẩm cho da, giúp da mềm mại và góp phần tăng cường sức mạnh của hệ miễn dịch.
Đóng vai trò là một chất lợi tiểu tự nhiên
Do nước mía chứa một lượng nước đáng kể, bạn có thể thấy mình cần đi tiểu thường xuyên hơn khi uống nó. Điều đó sẽ giúp loại bỏ độc tố và các chất thải không cần thiết ra khỏi cơ thể. Nước mía có thể giúp ích cho những người đang phải đối phó với bệnh lý nhiễm trùng đường tiết niệu.
Có hiệu quả tương đương các loại đồ uống thể thao
Đây là kết luận của một nghiên cứu sơ bộ năm 2013 với sự tham gia của 15 vận động viên đạp xe. Vì có chứa một lượng nhỏ chất điện giải, nước mía có thể bù nước và cải thiện hiệu suất tập thể dục. Tuy nhiên, nó làm tăng lượng đường trong máu của người tham gia nghiên cứu. Lợi ích của nước mía ở đây chủ yếu đến từ hàm lượng carbohydrate và khả năng bổ sung năng lượng cho cơ bắp sau khi tập luyện.
Có thể thấy nước mía có thể có ích cho sức khỏe theo nhiều phương diện, thế nhưng chưa có quá nhiều bằng chứng lâm sàng để hỗ trợ tuyên bố về lợi ích sức khỏe của nó. Vì vậy, nếu bạn có ý định sử dụng loại đồ uống này để hỗ trợ cho quá trình điều trị các tình trạng sức khỏe được đề cập trong bài, bạn cần phải tham khảo ý kiến từ các chuyên gia y tế trước để có những định hướng đúng đắn và an toàn.
Uống nước mía nhiều có bị tiểu đường không?
Để trả lời câu hỏi uống nước mía nhiều có bị tiểu đường không, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem lượng đường mà nước mía cung cấp cho cơ thể là cao hay thấp.
Lượng đường tối đa cần bổ sung mỗi ngày mà Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association – AHA) khuyến nghị là 36g (9 muỗng cà phê) cho nam và 25g (6 muỗng cà phê) cho nữ. Tuy nhiên, chỉ với 248g nước mía đã chứa tới 50g đường – tương đương với khoảng 12 muỗng cà phê, con số này cao hơn đáng kể so với những khuyến nghị trên.
Một khía cạnh khác, có hai chỉ số thường được nhắc tới trong việc quản lý lượng đường trong máu thông qua ăn uống, đó là GI (Glycemic Index – Chỉ số đường huyết) và GL (Glycemic Load – Tải lượng đường huyết). Cụ thể hơn:
GI biểu hiện lượng đường trong máu khi ăn một loại thực phẩm thông qua lượng carbohydrate có trong loại thực phẩm đó. GI dao động từ 0 – 100 với glucose tinh khiết có giá trị là 100. Nếu thực phẩm có GI dưới 55 sẽ được đánh giá là có độ GI thấp.
So với GI, GL sẽ cho biết chính xác hơn lượng đường huyết bạn sẽ nhận được từ một khẩu phần ăn thực tế của một loại thực phẩm xác định. GL sẽ được tính bằng công thức GL = GI x carbohydrate có sẵn trong một khẩu phần (g) / 100. Nếu GL của một thực phẩm có giá trị dưới 10, thực phẩm đó sẽ được đánh giá là có GL thấp.
Chúng ta hãy cùng xem xét các chỉ số trên của nước mía. Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (American Diabetes) ước tính GI của nước mía là 43, vậy đây là loại thực phẩm có GI thấp. Tuy nhiên GL của nước mía lại là 21,5 – một con số ở mức cao, tức là khi bạn tiêu thụ một khẩu phần nước mía khoảng 248g, bạn sẽ “nạp” vô cơ thể 21,5g đường. Lấy một ví dụ để so sánh là quả cam, GI của cam là 43 giống nước mía, nhưng GL của cam chỉ ở mức 5, chứng tỏ GL của nước mía thực sự là một con số không hề nhỏ.
Vì vậy, nước mía là một lựa chọn không tốt cho tình trạng tiểu đường. Điều này cũng đồng nghĩa với việc uống nước mía quá thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ bị tiểu đường của bạn. Người đang bị tiểu đường nên hạn chế thức uống này và sử dụng những loại thực phẩm thay thế khác có lượng đường thấp, hoặc tốt nhất là không đường để cải thiện nồng độ đường huyết và ngăn chặn bệnh lý tiến triển nặng hơn.
Vì chỉ số tải lượng đường huyết có thể đánh giá chính xác hơn lượng đường mà bạn thực sự đưa vào cơ thể, dưới đây là danh sách một số loại thực phẩm có GL thấp mà bạn có thể tham khảo để đưa vào chế độ ăn uống của mình:
- Cà rốt (luộc): GL = 1;
- Đậu phộng: GL = 1;
- Hạt điều: GL = 2;
- Sữa tách béo: GL = 4;
- Quả cam: GL = 5;
- Quả táo: GL = 6;
- Bánh mì trắng (lúa mì): GL = 10.
Sau khi đọc bài viết trên, chắc hẳn bạn đã trả lời được câu hỏi uống nước mía nhiều có bị tiểu đường không. Mặc dù nước mía là một thức uống ngon miệng và có nhiều lợi ích khác, nhưng hàm lượng đường cao của nó chính là điểm hạn chế, đặc biệt đối với những người đang bị hoặc có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.