Bàn chân không những là bộ phận nâng đỡ cơ thể khi đi lại, chạy nhảy,… mà còn phản ánh rất nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe. Trong bài viết hôm nay, Nhà thuốc Hướng Dương sẽ cùng bạn khám phá những dấu hiệu cần chú ý ở bàn chân để sớm phát hiện, điều trị bệnh kịp thời.
Bàn chân gắn kết với rất nhiều cơ quan khác cũng như có vô số dây thần kinh, mạch máu quan trọng. Do đó, đây cũng là bộ phận phản ánh tình trạng sức khỏe rất đáng chú ý. Để biết bàn chân đang nói gì về sức khỏe của mình, bạn hãy tham khảo ngay thông tin dưới đây.
Bàn chân lạnh
Bàn chân ở người khỏe mạnh bình thường sẽ ở 2 trạng thái là mát vào mùa hè và ấm khi mùa đông đến. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy bàn chân và ngón chân luôn lạnh hơn thông thường thì khả năng cao lưu lượng máu đến chân đang khá kém, cần cải thiện ngay.
Vấn đề bàn chân lạnh có thể liên quan đến tuần hoàn, thường bắt nguồn từ việc hút thuốc lá thường xuyên, bệnh mãn tính như bệnh tim, cao huyết áp,… Một nguyên nhân khác cũng khiến bàn chân lạnh, đó là bệnh tiểu đường. Ngoài ra, một số trường hợp bàn chân lạnh cũng có liên quan đến thiếu máu hoặc suy giáp.
Để cải thiện tình trạng bàn chân lạnh, bạn cần tăng cường giữ ấm cơ thể, đặc biệt là bàn chân với những cách sau:
Đi giày, đi tất vào mùa đông;
Ngâm chân với nước ấm thường xuyên;
Ăn bổ sung các loại thực phẩm tăng cường giữ ấm cơ thể như tỏi, gừng,…;
Mùa hè nóng nực thường khiến bàn chân đổ nhiều mồ hôi, bạn có thể ăn thêm thực phẩm giải nhiệt như bí đao, rau xanh,… để cải thiện.
Đau bàn chân
Theo nhiều nghiên cứu về sức khỏe cho thấy, có khoảng 8/10 phụ nữ cho biết họ bị đau bàn chân do đi giày cao gót thường xuyên, thậm chí là cả ngày dài. Tuy vậy, các chuyên gia y tế cũng tiết lộ nguyên nhân chính dẫn đến đau bàn chân không phải do đi giày cao gót mà xuất phát từ hiện tượng “gãy xương do căng thẳng”. Tình trạng này tạo nên vết nứt nhỏ ở xương chân.
Tập luyện thể thao quá sức, chơi thể thao không khởi động trước,… đều có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Bên cạnh đó, nguy cơ bị đau bàn chân cũng tăng lên khá nhiều khi bạn bị yếu xương, loãng xương.
Màu sắc ngón chân
Màu sắc bàn chân, cụ thể là các ngón chân cũng là yếu tố phản ánh khá rõ tình trạng sức khỏe của một người. Người khỏe mạnh bình thường sẽ có các ngón chân màu hồng nhạt, không quá rõ nhưng cũng không nhợt nhạt, ngón chân không bị biến dạng và nhăn nheo.
Nếu bạn thường xuyên quan tâm, chú ý đến màu sắc ngón chân thì khi chân chuyển sang màu trắng nhợt, sau đó chuyển xanh, chuyển màu ửng đỏ và cuối cùng về lại màu sắc ban đầu thì rất có thể bạn đã mắc hội chứng Raynaud. Bệnh này xuất hiện do các động mạch ở chân bị thu hẹp một cách đột ngột hay còn gọi là hiện tượng co mạch.
Hội chứng Raynaud cũng có thể liên quan đến nhiều vấn đề về tuyến giáp, viêm khớp dạng thấp,… nên bạn tuyệt đối không nên lơ là trước hội chứng này. Nếu ngón chân bị nhăn nheo bất thường, sức đề kháng của bạn có thể đang kém và tuần hoàn máu không tốt, bạn nên đến gặp bác sĩ để tiến hành điều trị kịp thời.
Màu sắc lòng bàn chân
Không chỉ ngón chân mà lòng bàn chân đổi màu cũng là dấu hiệu đáng chú ý về vấn đề sức khỏe. Trong lòng bàn chân có rất nhiều huyệt quan trọng, có thể kết nối mật thiết đến các cơ quan nội tạng như tim, gan, phổi, dạ dày,… Do đó, dựa trên màu sắc lòng bàn chân có thể giúp bạn nhận biết phần nào dấu hiệu mắc bệnh.
Nếu lòng bàn chân của bạn có màu hồng nhuận thì sức khỏe không có vấn đề quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu lòng bàn chân của bạn có màu quá đỏ hoặc chuyển sang màu trắng bệch thì có thể bạn đang gặp một số bệnh lý như:
- Lòng bàn chân màu xanh: Cơ thể thuộc tính hàn, dễ bị nhiễm lạnh vào mùa đông hoặc đổ mồ hôi lạnh vào mùa hè.
- Lòng bàn chân màu quá đỏ: Có thể cơ thể bạn đang bị nóng trong người, cần sử dụng các loại thực phẩm thanh nhiệt giải độc, mát gan,… để cải thiện.
- Lòng bàn chân màu vàng: Cơ thể gặp vấn đề về gan.
- Lòng bàn chân màu đen hoặc tím: Tuần hoàn máu lưu thông kém.
- Lòng bàn chân màu trắng: Cơ thể thiếu máu, suy nhược hoặc mang tính hàn.
Đau gót chân - Triệu chứng này xuất hiện ở bàn chân khả năng cao là do viêm cân gan chân – hiện tượng cơ gân bàn chân bị sưng viêm. Các cơn đau thường nghiêm trọng nhất vào buổi sáng khi người bệnh mới ngủ dậy và có thể gây ra các áp lực lên bàn chân khiến việc đi lại, di chuyển,… trở nên khó khăn, đau đớn hơn. Một số nguyên nhân thường gặp dẫn đến tình trạng này là nhiễm trùng xương, gãy xương, khối u ở xương, gai xương gót chân,…
Sưng bàn chân
Đây cũng là hiện tượng khá thường gặp ở bàn chân, liên quan mật thiết đến các vấn đề sức khỏe. Sưng bàn chân có thể xảy đến do bạn đứng trong thời gian dài hoặc phụ nữ đang mang thai. Điều này là hết sức bình thường và chỉ đem đến khó chịu tạm thời cho bạn.
Tuy vậy, nếu bàn chân bị sưng kèm theo các dấu hiệu khác nghiêm trọng hơn, bạn cần đến bệnh viện, trung tâm y tế,… để thăm khám, điều trị kịp thời. Nguyên nhân bệnh lý gây sưng bàn chân có thể kể đến như cục máu đông, hệ bạch huyết gặp vấn đề, hệ tuần hoàn, hệ tuyến giáp hoạt động kém hiệu quả, rối loạn chức năng loạn thận,…
Bàn chân bị nóng rát
Cảm giác nóng rát bất thường ở bàn chân là một trong những dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường hoặc thần kinh ngoại biên bị tổn thương. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác cũng có thể gây nóng rát bàn chân, ví dụ như bệnh thận mãn tính, người được chẩn đoán thiếu hụt vitamin B, bệnh nhân suy giáp hoặc mắc bệnh động mạch ngoại biên.
Vết loét ở bàn chân
Nếu bàn chân của bạn đột ngột xuất hiện những vết loét bất thường, không lành thì khả năng cao bạn đã bị tiểu đường. Nguyên nhân là do lượng đường trong máu cao sẽ làm giảm chức năng tuần hoàn máu, từ đó khả năng chữa lành vết thương cũng giảm, khiến một vết lở loét nhỏ ở bàn chân cũng có thể loét nặng hơn, thậm chí bị nhiễm trùng rất nguy hiểm.
Bàn chân là bộ phận phản ánh nhiều vấn đề sức khỏe mà bạn cần hết sức quan tâm, chú ý. Nếu nhận thấy bàn chân có dấu hiệu bất thường, đau nhức, thay đổi màu sắc lạ,… không thuyên giảm sau vài ngày, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ để được khám chữa kịp thời, tránh để tình trạng này kéo dài gây nhiều biến chứng nặng hơn.