Lựu là loại trái cây yêu thích của nhiều người. Không chỉ có hương vị thơm ngon, màu sắc bắt mắt, lựu còn có thành phần dinh dưỡng phong phú, mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Bạn có biết mình sẽ nhận được những gì nếu mỗi ngày ăn một quả lựu không?
Lựu mỗi năm chỉ có một mùa và lựu ở nước ta chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài vào trong nước. Vì vậy, cứ đến mùa lựu là các tín đồ của loại trái cây mọng nước này lại tranh thủ thưởng thức hàng ngày. Ăn lựu không chỉ đơn giản là “nuông chiều” vị giác hay sở thích mà còn là một cách để chăm sóc sức khỏe. Bạn đã biết mỗi ngày ăn một quả lựu có tác dụng gì chưa?
Thành phần dinh dưỡng ấn tượng của quả lựu
Lựu là trái cây thuộc nhóm quả mọng, có tên khoa học là Punica granatum và có nguồn gốc từ Trung Đông. Cây lựu là loại cây bụi, ra quả, thân gỗ nhỏ. Quả lựu khi chín có màu đỏ, đường kính từ 5 đến 10cm. Phần ăn được là phần hạt lựu nằm bên trong. Lựu có vị chua, ngọt tùy giống và tùy thuộc vào thời điểm thu hoạch lựu chín hay xanh.
Một phần lựu tươi 282g cung cấp cho cơ thể khoảng 234 calo, 4g chất béo, 53g carbohydrate, 11g chất xơ. Vitamin C,vitamin E, vitamin K, folate, kali cũng có trong lựu với hàm lượng khá phong phú. Đặc biệt, khẩu phần lựu này có thể đáp ứng được 32% nhu cầu vitamin C và 6% nhu cầu sắt được khuyến nghị hàng ngày.
Những thành phần hoạt chất có trong trái lựu được nhắc đến dưới đây cũng có những lợi ích đáng kể với sức khỏe:
Punicalagins có nhiều trong phần vỏ của hạt lựu, là một chất chống oxy hóa mạnh gấp 3 lần so với tannin trong rượu vang hay trà xanh. Các chất chuyển hóa của punicalagin cũng có khả năng chống oxy hóa mạnh.
Acid Punicic hay acid trichosanic có tác dụng làm giảm cholesterol, kháng viêm, ổn định đường huyết và chống ung thư.
Mỗi ngày ăn một quả lựu có tác dụng gì?
Muốn biết mỗi ngày ăn một quả lựu có tác dụng gì, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tác dụng quả lựu đỏ với sức khỏe. Có thể kể đến công dụng mà trái lựu có thể mang đến cho chúng ta như:
Tốt cho huyết áp và tim mạch
Các chất chống oxy hóa và hàm lượng kali dồi dào trong quả lựu có thể giúp hạ huyết áp ở những bệnh nhân huyết áp cao. Ăn lựu thường xuyên cũng giúp giảm cholesterol xấu, từ đó giảm nguy cơ mỡ máu, mỡ gan và nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao và tim mạch.
Ăn lựu thường xuyên tốt cho trí nhớ
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh chiết xuất lựu giúp tăng cường trí nhớ, giảm ảnh hưởng của bệnh Alzheimer. Với bệnh nhân sắp phẫu thuật tim, dùng thuốc chiết xuất từ lựu cũng có tác dụng bảo vệ trí nhớ sau phẫu thuật.
Lựu có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính
Các chất chống oxy hóa mạnh mẽ và dồi dào có trong trái lựu giúp bảo vệ các tế bào trong cơ thể khỏi các gốc tự do gây hại. Nhờ đó mà người thường xuyên ăn lựu có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường, ung thư…
Giúp ổn định đường huyết ở người khỏe mạnh
Trái lựu tuy có vị ngọt nhưng nó lại giúp duy trì đường huyết ổn định. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với người khỏe mạnh, không đúng với bệnh nhân tiền tiểu đường, mắc bệnh tiểu đường hay tiểu đường thai kỳ.
Mỗi ngày ăn một quả lựu tốt cho xương khớp
Chất chống oxy hóa dồi dào trong lựu có tác dụng giảm viêm, giảm đau trong các trường hợp viêm khớp dạng thấp. Kali trong lựu cũng quan trọng với việc duy trì sức khỏe của xương. Nghiên cứu đã cho thấy người thường xuyên ăn lựu có độ cứng của xương tăng lên đáng kể.
Ăn lựu giúp nâng cao hiệu suất tập luyện
Chất chống oxy hóa có trong trái lựu sẽ giảm quá trình oxy hóa oxit nitric – chất có tác dụng kiểm soát sự giãn mạch, nhịp tim và quá trình hô hấp của tế bào. Nhờ đó, nó có thể cải thiện hiệu suất hoạt động của cơ bắp, khả năng vận động của cơ thể và nâng cao hiệu quả tập luyện.
Ăn lựu mỗi ngày giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi thận
Mỗi ngày ăn một quả lựu giúp giảm nồng độ oxalat, canxi, phosphat từ đó ức chế quá trình hình thành sỏi thận. Vì vậy, lựu tốt cho cả những người khỏe mạnh muốn phòng bệnh sỏi thận lẫn người từng bị bệnh sỏi thận muốn ngăn ngừa bệnh tái phát.
Ăn lựu thường xuyên giúp tăng đề kháng
Với hàm lượng vitamin C dồi dào, lựu giúp tăng cường sức đề kháng tự nhiên của cơ thể, chống lại các virus cúm thông thường. Lựu cũng có thể ức chế nhiều vi khuẩn gây hại qua đường tiêu hóa như: Salmonella Typhi, Yersinia enterocolitica, Vibrio cholerae, Shigella spp. Nhờ đó, ăn lựu giúp phòng bệnh tả, lỵ, thương hàn, nhiễm nấm candida,…
Ngoài những công dụng trên đây, nhiều người còn thành công trong việc áp dụng cách ăn lựu giảm cân. Lựu cũng giúp bạn sở hữu làn da khỏe mạnh, sáng mịn. Như vậy, ăn lựu thường xuyên tốt cho cả sức khỏe và sắc đẹp.
Nếu ăn lựu mỗi ngày bạn cần lưu ý gì?
Mỗi ngày ăn một quả lựu mang đến lợi ích gì đến đây bạn đã biết. Nhưng liệu có hay không tác hại của quả lựu nếu chúng ta ăn quá nhiều? Nếu ăn quá nhiều lựu, bạn sẽ tiêu thụ một lượng đường đáng kể. Điều này có thể dẫn đến tác dụng phụ là nóng trong, mụn nhọt, tăng phản ứng viêm trong cơ thể. Việc ăn nhiều lựu kéo dài còn có thể gây tăng cân hoặc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Ăn lựu có nên ăn hạt không? Câu trả lời là không bạn nhé! Nếu ăn lựu cả hạt có thể dẫn đến nguy cơ táo bón hoặc tắc nghẽn đường ruột vì hạt lựu khó tiêu hóa. Theo khuyến cáo, bạn nên ăn lựu trực tiếp sẽ tốt hơn uống nước ép lựu. Tuy nhiên, bạn cần nhả bã hạt lựu, không nên nuốt cả khi ăn.
Dù lựu tốt cho sức khỏe nhưng có một số người không nên ăn lựu như: Người bị bệnh dạ dày, người đang bị nóng trong, mụn nhọt, người bị tiểu đường. Trong lựu có một số hoạt chất có thể tương tác với một số thành phần có trong các loại thực phẩm hay các loại thuốc. Vì vậy, bạn không nên ăn lựu chung với sữa, thuốc huyết áp cao, thuốc điều trị cholesterol cao, thuốc tan huyết.
Ngoài những lưu ý trên, bạn cũng cần biết một số người có thể bị dị ứng quả lựu. Nếu chưa từng ăn lựu trước đó, bạn nên ăn một lượng nhỏ để nghe ngóng phản ứng của cơ thể. Khi chắc chắn cơ thể không có biểu hiện bất thường nào bạn mới tiếp tục ăn thêm.
Mỗi ngày ăn một quả lựu mang đến khá nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn ăn càng nhiều lựu càng tốt. Hãy ăn lựu đúng cách và đủ lượng để khai thác tối đa lợi ích từ trái cây này bạn nhé!